Việt Nam năm 1945 - Cuộc cách mạng bị chệch hướng Share TweetNăm 1975, nhân dân Việt Nam có được một chiến thắng lịch sử, quét sạch quân đội Hoa Kỳ và giải phóng miền Nam của đất nước. Sau 28 năm chiến tranh, cuộc chiến đã lấy đi hai triệu sinh mạng người Việt, làm tàn phá 10% diện tích đất đai, phá hủy phần lớn ngành công nghiệp và giao thông. Dù vậy, đất nước đã được thống nhất và chủ nghĩa tư bản cùng tầng lớp địa chủ đã bị xóa bỏ trên toàn quốc.Với những hy sinh anh dũng này, công nhân và nông dân Việt Nam đã trả giá cho sự thất bại của cuộc cách mạng năm 1945, khi quyền lực khi ấy còn đang trong tầm tay. Thời cơ nào đã bị đánh mất vào năm 1945? Bài học từ thất bại này có ý nghĩa gì cho cuộc đấu tranh của công nhân ngày nay?Việt Nam là thuộc địa của Pháp từ giữa thế kỷ 19 và bị bóc lột về tài nguyên và nhân công giá rẻ bởi các tập đoàn độc quyền Pháp. Dưới sự cai trị của Pháp, tỷ lệ mù chữ đã tăng đến 80%. Trong khi khoảng 6.000 đến 7.000 địa chủ và đám chủ thực dân sở hữu số lượng lớn những vùng đất màu mỡ nhất, phân nửa số nông dân không có đất, và phần còn lại chỉ sở hữu những mảnh đất manh mún.Các công ty như Michelin điều hành các đồn điền cao su, chủ yếu sử dụng lao động cưỡng bức. Công nhân ở đây được ví là “phân bón cho cây cao su” vì những người chết trong điều kiện lao động khắc nghiệt được chôn ngay tại đồn điền.Sự phát triển công nghiệp bị kiềm chế dưới chế độ thực dân. Dù vậy, một tầng lớp công nhân nhỏ đã hình thành trong các ngành công nghiệp, hầm mỏ và giao thông. Dù bị đàn áp nặng nề, công nhân và nông dân bắt đầu đấu tranh chống lại các điều kiện khắc nghiệt áp đặt lên họ - và vì mục tiêu giải phóng dân tộc. Chính từ phong trào này mà Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời vào năm 1930 dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Dù Đảng này có gốc rễ vững chắc ở nông thôn và được tín nhiệm rộng rãi, Đảng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các diễn biến tại Liên Xô, nhiều lãnh đạo của đảng đã được đào tạo, cũng như nhận được sự chỉ đạo và hỗ trợ từ đây. Quốc tế Cộng sản, mà Đảng Cộng sản Việt Nam là thành viên, vốn được sinh ra sau cuộc cách mạng Nga và là công cụ để thúc đẩy cuộc đấu tranh của công nhân trên toàn thế giới vì dân chủ và chủ nghĩa xã hội.Tuy nhiên, vào những năm 1920, một bộ máy quan liêu đặc quyền đã chiếm đoạt quyền lực chính trị từ giai cấp công nhân tại Nga. Bộ máy quan liêu này ký sinh trên nền tảng của việc phát triển nền kinh tế kế hoạch hóa và quốc hữu hóa của Liên Xô, hơn nữa, chúng duy trì đặc quyền của của mình dựa trên việc đàn áp triệt để nền dân chủ của giai cấp công nhân. Kể từ đó, Quốc tế Cộng sản ngày càng trở thành một công cụ phục vụ cho lợi ích đẳng cấp quan liêu này. Vào những năm 1930, Quốc Tế hoàn toàn trở thành một lực lượng phản cách mạng hữu ý. Bộ máy quan liêu Stalinist vô cùng lo sợ về tiềm năng của việc thành lập một nhà nước công nhân dân chủ ở bất kỳ nơi nào trên thế giới ở bên ngoài Liên Xô và cả ảnh hưởng mà nó có thể tác động tới công nhân Liên Xô.Cuộc Cách mạng Nga là minh chứng sống động cho thấy rằng, ngay cả ở một quốc gia lạc hậu về kinh tế như Nga dưới chế độ Sa hoàng, việc giải phóng nông dân khỏi chế độ phong kiến và đạt được dân chủ hoàn toàn phụ thuộc vào giai cấp công nhân nắm quyền. Đó là lý tưởng mà Lenin, Trotsky và đảng Bolshevik đã lãnh đạo giai cấp công nhân thực hiện trong Cách mạng Tháng Mười năm 1917.Theo Trotsky, giai cấp tư sản ở các nước kém phát triển quá yếu để có thể đóng một vai trò tiến bộ. Để đàn áp phong trào quần chúng, họ buộc phải liên kết với các thế lực đế quốc và phong kiến. Khi đối diện với phong trào công nhân và nông dân, họ sẽ luôn đứng về phía phản động để bảo vệ đặc quyền của mình.Khi trở thành công cụ lợi ích của bộ máy quan liêu, Quốc tế Cộng sản dưới thời Stalin lại lập luận rằng ở các nước kém phát triển, cần có một "cuộc cách mạng hai giai đoạn". Đầu tiên, cần phải có sự liên minh với "tư sản tiến bộ" để giành độc lập dân tộc và các quyền dân chủ trên cơ sở tư bản. Chỉ "sau giai đoạn này" cuộc đấu tranh cho quyền lực của giai cấp công nhân và chủ nghĩa xã hội mới cần được đặt lên bàn nghị sự.Đây cùng là một quan điểm sai lầm mà phe Menshevik đã đưa ra trước cuộc Cách mạng Nga. Khi giai cấp công nhân lật đổ Sa hoàng vào tháng Hai năm 1917 và nắm quyền trong tay, các lãnh đạo Menshevik đã bước vào và ủng hộ một "chính phủ lâm thời" tư bản, vốn không "tiến bộ" và cũng chẳng phải dân chủ. Lenin và Trotsky đã lên án chính sách này, và thuyết phục đa số giai cấp công nhân về sự cấp thiết của chuyên chính vô sản. Nếu không làm vậy, gần như chắc chắn "chính phủ lâm thời" sẽ bị thay thế bằng một chế độ độc tài quân sự đẫm máu.Ở Trung Quốc vào những năm 1920, với lý thuyết "cách mạng hai giai đoạn", Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giải thể và hòa vào Quốc dân Đảng tư sản do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Đã từng có một phong trào lớn của công nhân và nông dân hướng đến mục tiêu đấu tranh giành quyền lực (Đọc thêm - ND), nhưng do thiếu sự lãnh đạo, phong trào này đã bị "tư sản tiến bộ" Tưởng Giới Thạch đàn áp và đánh bại.Quan niệm về một giai cấp tư sản "tiến bộ" cũng chẳng có nghĩa lý gì ở Việt Nam. Những chính sách phân biệt đối xử của chính quyền thực dân Pháp đã hạn chế người Việt Nam tham gia vào các ngành công nghiệp, tài chính và thương mại. Sự phát triển "tư bản dân tộc" bị giới hạn trong lĩnh vực cho vay nặng lãi và tầng lớp địa chủ. Tầng lớp này có xu hướng lấy quốc tịch Pháp và gửi con cái đi học trường Pháp. Họ là những người ủng hộ trung thành của chế độ thực dân.Chính sách của Quốc tế Cộng sản đã gặp thử thách nghiêm trọng đầu tiên ở Việt Nam khi "Mặt trận Bình dân" lên nắm quyền ở Pháp vào năm 1936. Đây là một chính phủ thoả hiệp giai cấp, trong đó các Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản tham gia hoặc ủng hộ liên minh với cái gọi là "các lực lượng tư sản tiến bộ" để chống lại mối đe dọa phát xít. Trên thực tế, Đảng Cộng sản đang thực hiện chính sách đối ngoại của Stalin, mà từ giữa thập niên 1930 đã tìm kiếm liên minh với các cường quốc tư bản chống Đức, đặc biệt là với đế quốc PhápViệc chính phủ Pháp có Đảng Cộng sản đã cổ vũ quần chúng tại Việt Nam đã thúc đẩy phong trào đấu tranh và tổ chức của giai cấp công nhân tăng cao. Tuy nhiên, "Mặt trận Bình dân" thoả hiệp giai cấp này hoàn toàn không có ý định giải phóng các thuộc địa, hay thậm chí là tiến hành các cải cách thuộc địa quan trọng. Các tổ chức công đoàn vẫn bị cấm, và các lãnh đạo công nhân bị bắt giam, bao gồm cả nhà cộng sản Nguyễn Văn Tạo. Bộ trưởng Thuộc địa của Pháp, thành viên của Đảng Xã hội cải lương, đã điện báo đến Việt Nam rằng "trật tự Pháp phải ngự trị ở Đông Dương cũng như ở mọi nơi khác."Phản ứng của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam là gì? Các khẩu hiệu "Đả đảo đế quốc!" và "Tịch thu đất của các đại địa chủ!" bị "tạm thời rút lại". Lý thuyết "cách mạng hai giai đoạn" dựa trên giả định sai lầm rằng giai cấp tư sản "dân tộc" sẽ đấu tranh giành độc lập chống đế quốc. Nhưng một khi các chính sách thoả hiệp giai cấp bắt đầu thì chúng không có giới hạn. Trong sự phục tùng mù quáng đối với chính sách thoả hiệp giai cấp Stalinist ở châu Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang thoả hiệp với… tư sản đế quốc và địa chủ phong kiến!Các đại biểu của Đảng Cộng sản trong Hội đồng thành phố Sài Gòn cuối cùng đã bỏ phiếu ủng hộ các khoản thuế cho "quốc phòng" – tức là các khoản thuế đàn áp thuộc địa. Sau cùng, chẳng phải Stalin đã nói với Thủ tướng Pháp Pierre Laval vào năm 1935 rằng ông "hoàn toàn hiểu và chấp nhận chính sách quốc phòng của Pháp" đó sao?Trong những năm 1930, đối lập với Stalinism và lý thuyết hai giai đoạn, các nhóm chính trị ủng hộ tư tưởng của Trotsky đã phát triển ở Việt Nam và ngày càng chiếm ưu thế trong phong trào công đoàn đang phát triển. Họ cũng giành quyền kiểm soát tờ La Lutte (Tranh đấu) từ tay Đảng cộng sản và tổ chức các hoạt động chính trị xoay quanh tờ báo này.Năm 1939, cuộc bầu cử cho Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ (Nam Bộ Việt Nam) diễn ra. Đây là một cơ quan có quyền lực hạn chế, dựa trên quyền bầu cử hạn chế, loại trừ nhiều công nhân. Tuy nhiên, các ứng cử viên Trotskyist như Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch và Phan Văn Hùm vẫn được bầu với 80% số phiếu, đánh bại các ứng cử viên của Đảng Cộng sản và các đảng tư sản.Số thành viên của các đảng Trotskyist tăng lên khoảng 5.000, và Đảng Cộng sản đã chia rẽ, với một bộ phận đáng kể của giai cấp công nhân gia nhập hàng ngũ của các Trotskyist. Nhà sử học J. Buttinger đã nhận xét về giai đoạn này: "...trong nhiều năm, Đảng Cộng sản bị phủ bóng bởi một phong trào Trotskyist mạnh mẽ đến mức nó trở thành nhóm dẫn đầu trong toàn bộ phong trào cộng sản và dân tộc trong một thời gian ngắn."Nhưng khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ vào tháng 9 năm 1939, tất cả các đảng công nhân đều bị đặt ngoài vòng pháp luật và sự đàn áp nghiêm trọng diễn ra. Tạ Thu Thâu và Trần Văn Thạch, cùng nhiều người khác, bị giam giữ trên đảo nhà tù Côn Đảo khét tiếng, nơi các tù nhân bị giam giữ như súc vật trong những cái lồng nhỏ dưới lòng đất.Năm 1940, quân đội đế quốc Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam. Pháp đã thất thủ dưới tay phát xít Đức và đóng một vai trò mờ nhạt trong phần lớn thời gian còn lại của cuộc chiến, Nhật cho phép chính quyền hợp tác của chế độ Vichy cai trị Việt Nam. Tuy nhiên, khi chiến tranh dần kết thúc, Nhật nhận thấy chính quyền Pháp không còn đáng tin cậy và thay thế nó bằng một chính phủ bù nhìn do cựu Hoàng đế Việt Nam Bảo Đại đứng đầu.Tháng 5 năm 1941, Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội) được thành lập dưới sự khởi xướng của Đảng Cộng sản và phát động cuộc chiến tranh du kích chống lại quân Nhật từ các căn cứ gần biên giới Trung Quốc ở vùng nông thôn phía bắc. Đến năm 1945, tình hình trở nên vô cùng nguy cấp cho đại bộ phận dân chúng. Nạn đói tàn phá miền Bắc, cướp đi sinh mạng của khoảng 2 triệu người, trong khi quân Nhật trưng thu gạo để nuôi quân.Khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh vào tháng 8 năm 1945, tình hình đã chín muồi cho một cuộc bùng nổ xã hội lớn. Trên khắp miền Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, các Ủy ban Nhân dân, tương tự như các Xô Viết, mọc lên và bắt đầu giành quyền kiểm soát. Nông dân tịch thu đất đai của địa chủ, và công nhân tiếp quản các nhà máy. Triển vọng để hình thành một nhà nước xã hội chủ nghĩa dân chủ chưa bao giờ tốt hơn thế. Để làm được điều này, điều cần thiết là phải đập tan bộ máy nhà nước hiện tại và kết nối các "ủy ban nhân dân" thành một chính quyền dân chủ mới dựa trên giai cấp công nhân.Tuy nhiên, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản lại thấm nhuần tinh thần hợp tác giai cấp ngầm chứa trong lý thuyết "hai giai đoạn". Điều này được phản ánh qua thành phần giai cấp của đảng. Một báo cáo nội bộ sau này tiết lộ rằng chỉ một trong mười ba thành viên giữ vị trí then chốt là công nhân, và chưa đến 20% là nông dân. Phần lớn là trí thức và thành viên của tầng lớp trung lưu thành thị. Trên hết, lãnh đạo đảng lo sợ phong trào độc lập của quần chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Trotskyist.Ở miền Bắc nông thôn, Việt Minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo tuyên bố độc lập vào ngày 2 tháng 9 tại Hà Nội, nhưng, theo đúng lý thuyết “hai giai đoạn," tuyên bố này dựa trên một hiến pháp mang tính tư sản, mô phỏng theo Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ. Chính phủ bao gồm cả các thành viên của đảng quốc gia cánh hữu Quốc Dân Đảng. Thậm chí, Hồ Chí Minh đã nhận lấy ấn vàng và thanh kiếm nạm hồng ngọc từ lãnh đạo bù nhìn mất uy tín Bảo Đại và bổ nhiệm ông làm "Cố vấn Chính trị Tối cao"!Ở miền Nam, vào ngày 21 tháng 8, sau các cuộc biểu tình lớn của công nhân tại Sài Gòn, một Ủy ban Trung ương lâm thời cho các Ủy ban Nhân dân được thành lập. Hầu hết các đảng phái chính trị đã cùng nhau thành lập một "Mặt trận Quốc gia Thống nhất." (Đọc thêm: https://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%B7t_tr%E1%BA%ADn_Qu%E1%BB%91c_gia_Th%E1%BB%91ng_nh%E1%BA%A5t - ND). Tình trạng song quyền, tương tự như sau cuộc cách mạng tháng Hai ở Nga, bắt đầu xuất hiện. Đảng Cộng sản tương đối yếu ở miền Nam, nơi có nền kinh tế phát triển hơn và tầng lớp công nhân đấu tranh mạnh mẽ hơn. Trong nỗ lực tuyệt vọng để kiểm soát tình hình, họ đã liên minh với cánh hữu của Mặt trận Quốc gia Thống nhất.Vào ngày 23 tháng 8, lúc 5 giờ sáng, Đảng Cộng sản đã cố ý vượt mặt các Ủy ban Nhân dân bằng một cuộc đảo chính để nắm quyền. Họ sử dụng uy tín của Việt Minh để củng cố lòng tin của quần chúng và gây áp lực buộc các lãnh đạo quốc gia tư sản khác tham gia vào một chính phủ liên minh gọi là "Ủy ban Nam Bộ".Chính phủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo này ngay lập tức bắt đầu đàn áp phong trào quần chúng. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Nguyễn Văn Tạo tuyên bố: “Những ai xúi giục nông dân chiếm đoạt ruộng đất sẽ bị trừng trị nghiêm khắc và không khoan nhượng... Chính phủ của chúng ta, tôi nhắc lại, là một chính phủ dân chủ và trung lưu, mặc dù hiện tại Đảng Cộng sản đang nắm quyền." (Gốc: "Those who incite the peasants to take over the estates will be severely and mercilessly punished ... Our government, I repeat, is a democratic and middle-class government, even though the Communists are now in power.")Giai cấp công nhân đã thành lập nhiều đội dân quân công nhân để bảo vệ cách mạng. Tại Sài Gòn, những đội dân quân này cùng nhau lập thành Lực lượng Công nhân Tự vệ dưới sự lãnh đạo của những người Trotskyist. Việc này đã khiến các lãnh đạo Đảng Cộng sản vô cùng hoảng sợ. "Những ai xúi giục quần chúng cầm vũ khí sẽ bị coi là kẻ phá hoại, là kẻ khiêu khích, là kẻ thù của nền độc lập quốc gia," theo lời lên án của Việt Minh. Thay vào đó, Việt Minh tuyên bố: "Quyền tự do dân chủ của chúng ta sẽ được đảm bảo bởi các đồng minh dân chủ." Nhưng "đồng minh dân chủ" này là ai?Để theo đuổi lợi ích đế quốc của mình, các cường quốc "đồng minh" đã chống lại phát xít Đức và chuyển qua đứng cùng phe với Nga. Nhưng điều này không có nghĩa là các nước đế quốc đã trở thành những người bảo vệ dân chủ - như giới quan liêu Nga tuyên bố. Tuy nhiên, đây lại là lập trường mà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận mà không chút phê phán.Tại các hội nghị Yalta và Potsdam năm 1945, Stalin đã đạt được thỏa thuận với Roosevelt và Churchill về việc phân chia thế giới sau chiến tranh thành các "khu vực ảnh hưởng". Stalin không mấy quan tâm đến cuộc đấu tranh ở Đông Nam Á và đã đồng ý với thỏa thuận chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 16. Để giám sát giải giáp quân Nhật, miền Bắc được "giao" cho các lãnh chúa quân phiệt Trung Quốc phản động, chủ yếu quan tâm đến việc cướp bóc; còn miền Nam thuộc sự kiểm soát của quân đội Anh.Đó là những cường quốc đế quốc mà giới quan liêu Stalinist gán cho là "đồng minh dân chủ" - và việc chiếm đóng Việt Nam của họ lại được lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam ủng hộ một cách mù quáng. Thay vì tiếp tục cuộc đấu tranh cho một nhà nước công nhân mới, lãnh đạo Đảng Cộng sản lại hợp tác trong việc củng cố bộ máy nhà nước thuộc địa - giờ đây được chống lưng bởi quân đội "đồng minh" thay cho Nhật Bản.Từ ngày 12 tháng 9, quân Anh, chủ yếu là lính Gurkha người Ấn Độ, dưới quyền chỉ huy của Tướng Gracey bắt đầu đến. Họ được chào đón bằng các cuộc biểu tình do Việt Minh tổ chức với khẩu hiệu (bằng tiếng Anh) "Chào mừng Đồng minh!" Việt Minh thậm chí còn nhường trụ sở của mình cho lực lượng Anh.Các Ủy ban Nhân dân đã lên án việc Việt Minh hợp tác với lực lượng Anh. Do đó, vào ngày 14 tháng 9, Giám đốc Công an Việt Minh và một thành viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản là Dương Bạch Mai đã cử một đội vũ trang đến nơi Ủy ban Nhân dân đang họp. Họ phá tan cuộc họp, giật các lá cờ đỏ trang trí phòng hội họp, phá hủy tài liệu và bắt giữ, giam cầm các lãnh đạo của Ủy ban Nhân dân.Tuy nhiên, dù được hỗ trợ nhiệt tình bởi Đảng Cộng sản trong việc đàn áp phong trào quần chúng, Tướng Gracey đã không bị ảnh hưởng bởi ảo vọng thỏa hiệp giai cấp. Như Gracy đã ngông cuồng nhận xét về sau này: "Tôi đã được Việt Minh chào đón khi tới nơi. (và) Tôi ngay lập tức đá họ ra ngoài." Ông ta đóng cửa báo chí, cấm biểu tình và tuyên bố thiết quân luật. Vào ngày 22 tháng 9, quân Anh đã được cử đến chiếm lấy nhà tù Sài Gòn. Họ giải giáp các lính gác Việt Nam, thả tự do cho các lính Pháp bị giam giữ ở đó và tái trang bị cho họ. Quân Anh và Pháp cùng nhau chiếm giữ các cơ sở trọng yếu trong thành phố, đẩy chính phủ Việt Nam ra khỏi tòa thị chính Sài Gòn và bắt giữ các lãnh đạo của họ.Nền độc lập kéo dài bốn tuần của Việt Nam đã kết thúc như vậy.Vào rạng sáng ngày 23 tháng 9, cuộc đảo chính đã thành công. Quân đội Pháp tiến hành một cuộc thanh trừng đẫm máu nhắm vào bất kì người Việt Nam nào chúng tìm thấy. Theo một phóng viên người Anh, Tom Driberg (sau này trở thành lãnh đạo Đảng Lao động) đã mô tả, đó là "những màn báo thù hèn hạ".Quần chúng phản ứng một cách tuyệt vời chống lại các nỗ lực tái áp đặt chế độ thực dân. Một cuộc nổi loạn bùng phát và công nhân đã chiếm giữ phần lớn thành phố Sài Gòn. Các cuộc biểu tình hừng hực khí thế làm rung chuyển thành phố, chợ búa bị phóng hỏa và chướng ngại được dựng lên trong nội đô. Các nhà máy điện và đài phát thanh bị chiếm đóng và một cuộc tổng tấn công được phát động chống lại các lực lượng đế quốc.Đối mặt với cuộc cách mạng từ phía nhân dân, Tướng Gracey sau đó đã tái vũ trang... quân Nhật! Thật vậy, trong các trận chiến sau đó, quân Nhật chịu nhiều thương vong hơn cả quân Đồng minh cộng lại. Với một đội ngũ lãnh đạo quyết tâm thiết lập nền dân chủ công nông, công nhân và nông dân Việt Nam đã có thể kêu gọi thuyết phục những người anh em trong hàng ngũ quân đội đang chiến đấu chống lại họ - để chia rẽ và làm tê liệt lực lượng địch.Sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít vào cuối cuộc chiến tranh đã có tác động cảm hóa to lớn đối với công nhân trên toàn thế giới, và điều này đã ảnh hưởng tới đội quân vốn kiệt sức vì chiến tranh của tất cả các quốc gia. Hơn nữa, lính của Gracey đều là những người Gurkha Ấn Độ, lúc ấy đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc đấu tranh giành độc lập đang gần tới hồi thắng lợi ở Ấn Độ.Họ đặc biệt giận giữ với việc tái vũ trang cho lính Nhật: Các tài liệu quân sự ghi lại rằng hành động này là "một dấu hiệu phản phúc đối với mọi cấp lính vào thời điểm đó". Một lời hiệu triệu có tính giai cấp rõ ràng đối với những người lsinh này chắc chắn sẽ có tác động to lớn.Minh chứng cho điều này có thể được thể hiện thông qua ví dụ về những người lính Nhật Bản, vào cuối cuộc chiến, lính Nhật bắt đầu phân rã theo giai cấp. Quá trình này được mô tả bởi nhà sử học Vũ Ngự Chiêu: "Một số người Nhật nghiêng về phía Việt Minh, thả tù nhân Cộng sản, cung cấp vũ khí cho mặt trận Việt Minh, và thậm chí còn đánh thuê cho lực lượng Việt Minh địa phương. Nhiều người khác, gồm cả các chỉ huy quân sự, muốn sử dụng lực lượng của họ để hỗ trợ chính quyền (Trần Trọng) Kim và để đè bẹp Etsumei [Việt Minh]."Đổi lại, giới lãnh đạo Việt Minh đã cố gắng kìm hãm cuộc đấu tranh quần chúng và đàm phán một lệnh ngừng bắn vào đầu tháng 10. Hành động này cho Pháp thêm thời gian để chuyển thêm quân vào Việt Nam. Khi lệnh ngừng bắn vô hiệu, các lực lượng đế quốc đã phát động một cuộc tấn công với sự tàn bạo không thể chấp nhận được, tấn công cả những người tham chiến và thường dân - đây là tiền đề cho chiến lược của Hoa Kỳ 20 năm sau đó.Bộ tư lệnh Anh đã ban hành chỉ thị sau: "Ta khó phân biệt được bạn và thù một cách rạch ròi. Vậy, phải luôn tận dụng tối đa lực lượng có sẵn để đảm bảo tiêu diệt mọi kẻ thù mà ta phải đối đầu. Kể cả có lỡ hơi lạm dụng quá tay thì cũng không gây hại gì."Những người công nhân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng với nguồn lực ít ỏi mà họ có, đánh chiếm các bến tàu, sân bay và căn cứ của Đồng minh, dù trong một số trường hợp, chỉ có giáo mác và mũi tên tẩm độc, điều này gây ấn tượng ngay cả với những người lính Đồng minh dày dạn kinh nghiệm với lòng dũng cảm và sự táo bạo của mình. Họ phải đối mặt phải cuộc tàn sát của súng cối và súng trường. Đã có tới có 2.700 người Việt Nam thiệt mạng theo số liệu chính thức, mặc dù con số thực tế cao hơn nhiều lần.Trong khi công nhân đang đấu tranh tuyệt vọng để bảo vệ cuộc cách mạng, ưu tiên chính của ban lãnh đạo Việt Minh là tiêu diệt mọi phe đối lập với đường hướng của họ. Những người Trostkist - những người đã luôn phản đối những chính sách sai lầm của Việt Minh trở thành mục tiêu hàng đầu.Ngay cả trong Thế chiến, Việt Minh, theo lời Hồ Chí Minh, đã dán nhãn những người theo chủ nghĩa Trotskism là "tay sai của bọn phát xít", và đã không hề ngần ngại hợp tác với người Pháp chống lại phong trào Trotskist. Năm 1941, họ đã phản bội và giao 15 nhà hoạt động cho chính quyền thực dân giam giữ.Bây giờ các nhà lãnh đạo Việt Minh thành lập "tiểu đội danh dự" với nhiệm vụ "danh dự" là tiêu diệt bất kỳ ai chống đối họ. Lãnh đạo của nhóm Đấu tranh đã bị nhóm này bao vây, bắt giữ và xử bắn khi họp bàn về việc phối hợp hành động quân sự chống lại người Pháp. Trong số những người bị giết có Trần Văn Thạch, người mới được thả ra chỉ vài tuần trước đó từ Côn Đảo.Tạ Thu Thâu, một nhân vật lãnh đạo phe Trotskyist khác, đã ra đến miền bắc để giúp tổ chức cứu trợ nạn đói. Ellen Hammer, một nhà văn người Mỹ, đã mô tả những gì đã xảy ra khi ông trở về. "Theo lệnh từ Hà Nội, ông đã bị bắt trên đường đi. Ông đã bị Ủy ban Nhân dân địa phương xét xử ba lần và đều được tuyên trắng án mỗi lần. Nhưng Trần Văn Giàu [lãnh đạo Việt Minh], một người điên cuồng theo đuổi quyền lực, có thể đã cảm thấy rằng vị trí của mình ở miền Nam đang bị đe dọa bởi danh tiếng của Tạ Thu Thâu. Ông ta dường như đã gửi một kiểu tối hậu thư cho Ủy ban Trung ương Việt Minh tại Hà Nội - hoặc là chọn ông hoặc là chọn Thâu - và Hà Nội đã nhượng bộ. Tạ Thu Thâu đã bị giết ở Quảng Ngãi, An Nam, theo lệnh của Trần Văn Giàu."Thâu đã từng lãnh đạo công nhân Trung Quốc trong cuộc nổi loạn bất thành của Công xã Quảng Châu năm 1927 tại Trung Quốc, và đã sống sót sau thất bại của công xã này trước quân phản cách mạng. Ông phải ở tù nhiều năm, trong đó có sáu năm ở Côn Đảo, nơi ông bị tra tấn đến liệt một phần. Ông đã được bầu vào Hội đồng thành phố Sài Gòn và Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ nhiều lần.Trong khi một mặt giết hại nhà lãnh đạo công nhân này, mặt khác các nhà lãnh đạo Việt Minh lại cố gắng hết sức để xoa dịu các thế lực đế quốc.Vài tháng sau, Hồ Chí Minh bình luận về cái chết của Thâu: "Ông ấy là một người ái quốc vĩ đại và chúng tôi rất thương tiếc khi hay tin ông ấy mất..." Dù vậy, Hồ Chí Minh bồi thêm "Tất cả những ai không theo đường lối mà tôi đã đặt ra sẽ bị đập tan." "Đường lối" này là gì?Vào tháng 11 năm 1945, Đảng Cộng sản đã tự nguyện giải tán! Bản tuyên bố mà Đảng đưa ra đã khẳng định kết luận cho lý thuyết "hai giai đoạn": "Xét rằng, muốn hoàn thành nhiệm vụ dân tộc giải phóng vĩ đại ấy, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân, không phân biệt giai cấp đảng phái là một điều kiện cốt yếu."Việt Minh còn nhấn mạnh thêm rằng họ "...luôn có khuynh hướng đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích giai cấp..." Nhưng ngay cả việc bảo vệ nền độc lập dân tộc cũng là điều bất khả do việc tách biệt ý thức đấu tranh giành độc lập với ý thức đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân và nông dân nghèo. Lịch sử đã chứng minh khẳng định này một cách tàn khốc.Vào thời điểm này, quân Pháp không có quân ở miền Bắc, và viên chỉ huy người Pháp Leclerc khá thẳng thắn về điểm yếu của mình: "Chúng tôi chưa bao giờ có ý định tiến hành một cuộc viễn chinh ở Bắc Đông Dương... Để làm được điều đó, chúng tôi cần lực lượng mạnh hơn nhiều so với lực lượng hiện có."Nhưng Leclerc đã lợi dụng điểm yếu thỏa hiệp giai cấp của giới lãnh đạo Việt Minh. Ông ta đề xuất một thỏa thuận với Việt Minh được ký vào tháng 3 năm 1946 (Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt), theo đó "nền độc lập của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp" được công nhận - để đổi lại việc cho phép quân đội Pháp (15.000 quân) chiếm đóng miền Bắc!Khi thỏa thuận được công bố, người dân Việt Nam đã sửng sốt. Hồ Chí Minh, khi phát biểu tại một cuộc họp quần chúng ở Hà Nội, đã buộc phải cầu khẩn với công chúng, "Tôi hứa với đồng bào, Hồ Chí Minh nhất định không bao giờ bán nước." (Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/lan-dau-den-dai-bac-noi-ho-chi-minh-khong-phai-la-nguoi-ban-nuoc-427200.vov)"Độc lập trong Liên hiệp Pháp" không có nghĩa gì khác ngoài việc tiếp tục cai trị thuộc địa. "Thỏa thuận" này chỉ đơn giản là cho người Pháp thêm thời gian để tăng cường lực lượng và tái áp đặt chế độ cai trị thuộc địa ở hai miền một cách hiệu quả.Hiệp định tháng 3 đã liên tục bị Pháp vi phạm và hoàn toàn bị phá vỡ vào tháng 11 khi Pháp ném bom cảng Hải Phòng, giết chết 6.000 người theo ước tính "chính thức" - mặc dù con số thực tế là gần 20.000.Người Pháp bắt đầu một cuộc tấn công tổng lực nhắm vào Việt Minh, trong khi Hồ Chí Minh thì một mặt thê thảm kháng nghị lên các cường quốc Đồng minh, Giáo hoàng và các bên khác khác và mặt khác buộc phải rút lui vào vùng núi và nông thôn để bắt đầu cuộc chiến tranh du kích kéo dài 30 năm nhằm giành lại nền độc lập dân tộc.Mặc dù trách nhiệm chính dẫn đến thất bại của cách mạng Việt Nam năm 1945 thuộc về các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đám lãnh đạo giai cấp công nhân ở Anh và Pháp cũng đóng một vai trò đáng xấu hổ.Một trong số đó là chính phủ Lao động do Clement Attlee đứng đầu ở Anh. Trước chiến tranh, Attlee đã viết rằng "Đảng Lao động tất nhiên phản đối chủ nghĩa đế quốc, dù là dưới hình thức cũ hay mới". Tuy nhiên, chính phủ Lao động năm 1945 đã đồng ý cho Anh chiếm đóng Nam Việt Nam, chỉ giới hạn trong việc ra lệnh cho Tướng Gracey: "Nhiệm vụ duy nhất: giải giáp quân Nhật. Không can dự vào việc giữ gìn trật tự".Tuy nhiên, đó là sự mù quáng điển hình của những kẻ theo chủ nghĩa cải cách khi ngây thơ mong đợi các sĩ quan được đào tạo tại các trường công và Sandhurst (Học viện Quân sự Hoàng gia) phản bội lòng trung thành của họ đối với giai cấp lãnh đạo và chủ nghĩa đế quốc. Gracey đã thẳng thừng tận dùng thời cơ để "duy trì trật tự", tức là đè bẹp cuộc cách mạng - mà không bị chính phủ Lao động cản trở.Attlee đã phải trấn an những người chỉ trích Đảng Lao động rằng "Hãy an tâm rằng chính phủ đang thực hiện các nguyên tắc mà chính phủ cam kết". Bộ trưởng Ngoại giao cánh hữu Ernest Bevin không hề giấu giếm quan điểm của mình. Ông khen ngợi "sự hợp tác chặt chẽ và thân thiện giữa các chỉ huy Anh và Pháp", và phát biểu thay mặt cho "thái độ tự do của chính phủ Pháp".Nếu như lãnh đạo Đảng Lao động ở Anh ngầm ủng hộ chủ nghĩa đế quốc, thì đám lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp thậm chí còn phản động hơn. Các thỏa thuận sau chiến tranh giữa Stalin và các cường quốc phương Tây đã đưa Pháp vào phạm vi ảnh hưởng của phương Tây. Mặc dù Đảng Cộng sản Pháp có thể nắm quyền sau chiến tranh và thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng chính sách của họ, theo đường lối của Stalin - nghĩa là không thách thức chủ nghĩa tư bản. Họ đã trở thành một phần của liên minh tương tự như "Mặt trận Bình dân" năm 1936 - và có vai trò tương tự. Không có sự chỉ trích từ Đảng cộng sản, chính phủ thỏa hiệp giai cấp này thực sự đã ủng hộ việc tái thực dân hóa Việt Nam!Một báo cáo do ĐCS Pháp soạn thảo cho những người Cộng sản Việt Nam khuyên họ phải chắc chắn rằng cuộc đấu tranh của họ "tuân theo các chính sách của Liên Xô". Báo cáo cảnh báo rằng bất kỳ "cuộc phiêu lưu vội vã" nào cho nền độc lập của Việt Nam "có thể không phù hợp với quan điểm của Liên Xô", và thúc giục một chính sách "kiên nhẫn". Đây là tuyên bố hai ngày sau khi cuộc đảo chính do Anh dàn dựng lật đổ chính quyền Việt Minh, và phát động các cuộc trả thù tàn bạo của lực lượng Pháp sau đó!Sau đó, lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp Maurice Thorez, phó thủ tướng trong chính phủ, đã nhận xét với một phái đoàn Việt Nam rằng "trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng Cộng sản không muốn bị coi là bên sau cùng xóa bỏ vị thế của Pháp ở Đông Dương và rằng ông tha thiết mong muốn thấy lá cờ Pháp tung bay trên khắp mọi miền của Liên hiệp Pháp".Điều không thể tin được là vào năm 1945 và 1946, các đại biểu Đảng Cộng sản tại Pháp đã nhiều lần bỏ phiếu ủng hộ tăng cường ngân sách quân sự, trong đó có các khoản tiền dành riêng cho quân đội Pháp ở Việt Nam; phản đối những nỗ lực cắt giảm ngân sách của Đảng Xã hội; và ủng hộ việc gửi lời chúc mừng tới Quân đoàn Viễn chinh Pháp vào tháng 12 năm 1946 sau khi quân này ném bom Hải Phòng!Người Pháp bị đánh bại vào năm 1954 - tám năm cho một cuộc chiến trường kỳ. Sau đó, sau khi Việt Minh đưa ra những nhượng bộ tai hại trong thỏa ước tiếp theo (Hiệp định Geneva) - làm kéo dài sự phân chia đất nước - thêm 20 năm chiến tranh nữa đã diễn ra chống lại chủ nghĩa đế quốc Hoa Kỳ và những con rối của nó ở miền Nam trước khi chủ nghĩa tư bản và chế độ địa chủ bị lật đổ trên khắp Việt Nam.Những cuộc đấu tranh này sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa xã hội ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, tới tận thời điểm hiện tại (ND: Bài viết được viết vào tháng 9 năm 1986 - trước Đổi mới), bất chấp những lợi ích xã hội đáng kể của cải cách ruộng đất và quốc hữu hóa công nghiệp, người dân Việt Nam vẫn phải trả giá cho sự thất bại của cuộc cách mạng công nhân năm 1945 dưới sự cai trị của một bộ máy quan liêu Stalinist đặc quyền, vốn luôn đối nghịch với nền dân chủ của công nhân, và chiến đấu chống lại các bộ máy quan liêu tương tự ở Trung Quốc và Campuchia để theo đuổi lợi ích quốc gia của họ.Thành tích lãnh đạo của Việt Minh trong cuộc cách mạng thất bại năm 1945 sẽ tiếp thêm cho mỗi chiến sĩ xã hội chủ nghĩa quyết tâm xóa bỏ các chính sách "hai giai đoạn" và Mặt trận bình dân của Stalin ra khỏi phong trào công nhân trên toàn thế giới, để chuẩn bị cho chiến thắng của nền dân chủ công nhân và chủ nghĩa xã hội trong những trận chiến mới và lớn hơn sắp tới.Lần đầu tiên được xuất bản trên tạp chí Marxist Nam Phi Inqaba Ya BasabenziSố ra tháng 9 năm 1986 20/21