Bảo vệ lý thuyết Marx - “Sự ngu dốt chẳng bao giờ giúp được ai”

Hôm nay, chúng tôi tự hào đăng lại một bài viết rất quan trọng của Alan Woods mà chúng tôi tin rằng các độc giả nên xem xét một cách kỹ lưỡng. Trên trang marxist.com, qua tạp chí In Defence of Marxism và nhà xuất bản Wellred Books của chúng tôi, IMT (International Marxist Tendency) đã tiến hành một cuộc đấu tranh trên mọi phương diện bảo vệ lý thuyết Marx. Trong quá trình đó, chúng tôi đã giải quyết không chỉ những câu hỏi rõ ràng có liên quan đến cuộc đấu tranh của công nhân, mà còn cả những câu hỏi khác (mà có vẻ như) rất xa rời điều ấy, từ vũ trụ học, tới văn hóa, hay cho đến tận đấu tranh giai cấp trong thời La Mã cổ đại. Một số người được gọi là 'Marxist' đã chế giễu cách tiếp cận này, nhưng như Alan Woods giải thích, sự chế giễu của họ là vô cùng sai lầm.

Bài viết này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2009, nhằm phản bác lại một nhóm người mà sau này tuyệt với chủ nghĩa Marx để ủng hộ chủ nghĩa bè phái. Trong cuộc tranh luận diễn ra vào thời điểm ấy, các thành viên lãnh đạo của nhóm đó đã đưa ra những bình luận làm nổi bật sự tương phản rõ rệt giữa các cách tiếp cận khác nhau của chúng ta. Họ hỏi, tại sao giữa cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất của chủ nghĩa tư bản kể từ những năm 1930, các biên tập viên của marxist.com có ​​thể coi việc xuất bản một loạt bài của Alan Woods về Đấu tranh giai cấp trong Cộng hòa La Mã (The Class Struggle in the Roman Republic) là một ưu tiên?!

Kể từ đó, marxist.com đã tiếp tục khẳng định danh tiếng là nguồn lý thuyết Marx chuẩn chỉnh hàng đầu thế giới. Như danh sách các bài viết được đọc nhiều nhất của chúng tôi chứng minh, hàng ngàn công nhân cách mạng và thanh niên quay trở lại trang web của chúng tôi mỗi năm, chính xác là bởi vì những tài liệu kiểu này không có ở bất cứ nơi nào khác. Trong khi đó, những bài viết tương tự về Đấu tranh giai cấp ở Cộng hòa La Mã đã được xuất bản vào năm ngoái dưới dạng một cuốn sách được biên tập và mở rộng, đã bán được hơn 1.000 bản cho đến nay.

Trong bài viết này, Alan Woods chỉ ra rằng cách tiếp cận của chúng tôi là sự kế thừa của Marx, Engels, Lenin và Trotsky. Chỉ có dựa trên cơ sở đó, bằng thái độ toàn diện và nghiêm túc đối với lý thuyết Marx, IMT mới có những bước tiến lớn trong giai đoạn vừa qua, trong khi tất cả những bè cánh cũng được gọi là ‘Marxist’ mà đã thể hiện sự coi thường của họ đối với lý thuyết đã dần héo mòn.

Để tôi luyện mặt tư tưởng của các cán bộ cộng sản một cách sâu sắc hơn nữa, mùa hè này chúng tôi sẽ tổ chức Trường Học Cộng Sản Toàn Cầu (World School of Communism, đã diễn ra vào mùa hè 2024), một sự kiện bạn cũng được mời và có thể tham dự trực tuyến. Tại đây, những người cộng sản sẽ thực hiện một bước tiến lịch sử trong việc xây dựng lực lượng của chúng ta một cách tỉ mỉ dựa trên nền tảng của lý thuyết Marx, cho đến khi chúng ta lập ra một Quốc tế Cộng sản Cách mạng mới. Chúng tôi mong được gặp bạn ở đó!

Bảo vệ lý thuyết Marx - “Sự ngu dốt chẳng bao giờ giúp được ai”

Vào năm 1846, Weitling phàn nàn rằng "những nhà trí thức" Marx và Engels chỉ viết về những thứ khùm khoằm khó hiểu không liên quan đến công nhân. Marx tức giận đáp trả: "Sự ngu dốt chẳng bao giờ giúp được ai." Câu nói đó của Marx vẫn giá trị to lớn cho đến tận ngày nay, cũng như là cho thời điểm đó.

Việc xuất bản loạt bài Đấu tranh giai cấp trong Cộng hòa La Mã đã thu hút sự quan tâm đáng kể của độc giả marxist.com. Theo thông tin mà ban biên tập vừa chuyển cho tôi, đã có một số lượng kỷ lục lượt truy cập cá nhân vào các bài viết này, khoảng 2.200 lượt truy cập, cao hơn đáng kể so với số lượt truy cập trung bình cho mỗi bài viết.

Sự kiện này đã khẳng định tính đúng đắn về sách lược của marxist.com, nơi tạo dựng được danh tiếng vững chắc thông qua chất lượng các bài viết lý luận của mình. Vào thời điểm mà các quan điểm của chủ nghĩa Marx đang bị công kích từ khắp mọi phía, trang web của chúng tôi nổi trội hơn cả vì sự bảo vệ kiên định và nhất quán của mình đối với lý thuyết Marxist trong tất cả sự phong phú và đa dạng của nó. Điều đó cho thấy rằng, ngày càng nhiều người trên khắp thế giới đang quan tâm đến, nhiệt tình tìm tòi cũng như làm sâu sắc thêm kiến ​​thức của họ về chủ nghĩa Marx.

Tuy nhiên, marxist.com cũng nhận được những lời chỉ trích. Một số người chỉ trích phàn nàn vì chúng tôi viết bài về La Mã cổ đại vào giữa cuộc khủng hoảng lớn nhất của chủ nghĩa tư bản kể từ những năm 1930 (Bài viết được viết vào năm 2009, ám chỉ đến cuộc khủng hoảng năm 2008). Công bằng mà nói, marxist.com đã xuất bản rất nhiều bài viết quan trọng về các cuộc khủng hoảng, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nghĩa vụ phải viết về những vấn đề khác, nhằm nâng cao trình độ hiểu biết lý luận của độc giả, cung cấp những phân tích theo quan điểm chủ nghĩa Marx, không chỉ về kinh tế mà còn về lịch sử, khoa học, nghệ thuật, âm nhạc và mọi lĩnh vực hoạt động khác của con người.

Phải đáp lại thế nào với những người đòi hỏi chúng ta phải thu hẹp phạm vi của chủ nghĩa Marx để phù hợp với cái đầu óc hạn hẹp của họ? Chúng ta đơn giản không cần phải trả lời họ, vì điều ấy đã được Lenin trả lời từ lâu: “Không có lý thuyết cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Đó là một chân lý cơ bản mà tất cả các nhà kinh điển vĩ đại của chủ nghĩa Marx đều đã nhấn mạnh. Chúng ta hãy tự nhắc nhở mình về sự thật cơ bản này thông qua một vài sự kiện quan trọng trong lịch sử.

Chẳng có cuộc cách mạng nào mà không có lý thuyết

Ngay cả trước khi cho ra đời Tuyên ngôn Cộng sản, Marx và Engels (những người đã bắt đầu cuộc đời cách mạng của họ với tư cách là môn đệ của triết học Hegel) đã tiến hành đấu tranh chống lại các nhà lãnh đạo 'vô sản' - những người chẳng những tôn thờ sự lạc hậu và các phương pháp đấu tranh thô sơ, mà còn ngoan cố chống lại việc đưa ra lý thuyết khoa học.

Nhà phê bình người Nga, Annenkov, người tình cờ có mặt tại Brussels vào mùa xuân năm 1846, đã để lại cho chúng ta báo cáo rất thú vị về một cuộc họp, tại đó đã xảy ra một cuộc cãi vã dữ dội giữa Marx và Weitling - một người cộng sản không tưởng người Đức. Trong một luận điểm của mình, Weitling, với tư cách như một công nhân, đã phàn nàn rằng "những người trí thức" Marx và Engels đã viết về những vấn đề mơ hồ chẳng liên quan gì đến công nhân. Ông cáo buộc Marx đã "chỉ ngồi phân tích học thuyết trên ghế bành, xa rời thế giới của những cực khổ và khốn cùng". Tại thời điểm đó, Marx, người thường ngày rất kiên nhẫn, đã trở nên phẫn nộ. Annenkov viết:

“Trong những lời cuối cùng, Marx đã mất kiểm soát và đấm mạnh tay xuống bàn đến nỗi làm cho cây đèn trên mặt bàn phải rung lắc dữ dội. Ông nhảy dựng lên và nói: ‘Sự ngu dốt chẳng bao giờ giúp được ai.’

(Hồi ký của Marx và Engels, trang 272, tôi - AW - nhấn mạnh)

Weitling đã phản đối lý luận và cả sự cần thiết phải kiên nhẫn trong thực hiện công tác tuyên truyền. Giống như Bakunin, ông cho rằng người nghèo luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng để nổi dậy. Người ủng hộ “hành động cách mạng” này phủ định vai trò của lý thuyết, tin rằng miễn là có những nhà lãnh đạo kiên quyết, một cuộc cách mạng có thể được kiến thiết nên bất cứ lúc nào. Cho tới tận ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy bóng dáng của những ý tưởng tiền Marxist thô sơ này tồn tại trong hàng ngũ những người theo chủ nghĩa Marx.

Marx hiểu rằng, phong trào cộng sản chỉ có thể tiến triển bằng cách đập tan triệt để những quan niệm nguyên thủy này, và chúng phải bị thanh lọc một cách toàn diện ra khỏi hàng ngũ cách mạng. Sự rã từ với Weitling là điều tất yếu và đã diễn ra vào tháng 5 năm 1846. Sau đó, Weitling rời đi Mỹ và không còn đóng bất kỳ vai trò đáng chú ý nào nữa. Chỉ có bằng cách tách hẳn ra khỏi 'nhà hoạt động công nhân' Weitling, Liên đoàn Cộng sản (Communist League) mới có thể được thành lập trên cơ sở vững chắc. Tuy nhiên, khuynh hướng nguyên thủy mà Weitling đại diện vẫn liên tục tái diễn trong phong trào, đầu tiên là trong các ý tưởng của Bakunin, và sau đó là trong đa dạng các hình thức cực tả và vẫn còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào Marxist cho đến bây giờ.

Trong Tuyển tập Marx và Engels, chúng ta tìm thấy một kho tàng tri thức quý báu bao gồm các ý tưởng hiện thực. Ở đó, chúng ta tìm thấy các bài viết của Engels về Chiến tranh nông dân ở Đức, về lịch sử sơ khai của người Đức, người Slav và người Ireland, lịch sử của ông về sơ kỳ Kitô giáo. Trong bài viết về việc Engels qua đời, Lenin đã viết:

“Marx đã làm công việc phân tích các hiện tượng phức tạp của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Còn Engels, bằng các tác phẩm viết dễ hiểu thường mang tính tranh luận, đã giải quyết các vấn đề khoa học chung và các hiện tượng đa dạng của quá khứ và hiện tại, bằng quan niệm duy vật về lịch sử và lý thuyết kinh tế của Marx.”

Chỉ cần một danh sách ngắn gọn các tác phẩm của Engels cũng đã ngay lập tức cho thấy tầm nhìn rộng lớn trên nhiều lĩnh vực của ông. Chúng ta có tác phẩm tranh luận tuyệt vời của ông chống Dühring, tác phẩm này đề cập sâu sắc đến triết học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước đề cập đến nguồn gốc sớm nhất của xã hội loài người. Những nhà phê bình có xu hướng ‘thực tiễn’ sẽ đặt ra câu hỏi: tất cả những điều này liên quan gì đến giai cấp công nhân và đấu tranh giai cấp. Câu trả lời chỉ ngắn gọn thế này thôi: rằng đây là tác phẩm đã đặt nền tảng cho lý thuyết Marxist về nhà nước, mà sau này Lenin đã phát triển trong Nhà nước và cách mạng, cuốn sách đã đặt nền tảng lý thuyết cho Cách mạng Bolshevik.

Và chúng ta có thể nói gì về Ludwig Feuerbach và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức? Trong cuốn sách này, Engels không chỉ đề cập đến những ý tưởng “trừu tượng và khó hiểu” của Hegel, mà còn đề cập đến những ý tưởng của các nhà triết học Đức ít được biết đến của phong trào cánh tả Hegel. Đặc biệt trong những thư từ qua lại giữa Marx và Engels, chúng ta tìm thấy một kho tàng ý tưởng với sự bao quát đáng kinh ngạc trên các lĩnh vực khác nhau. Hai người bạn đã trao đổi quan điểm về mọi chủ đề, không chỉ riêng về kinh tế và chính trị mà còn về triết học, lịch sử, khoa học, nghệ thuật, văn học và văn hóa.

Đó chính là câu trả lời chí tử cho tất cả những nhà phê bình của giai cấp tư sản đối với Marx, những người đã đưa ra một bức biếm họa về chủ nghĩa Marx như là một học thuyết khô khan, hẹp hòi, bó buộc mọi suy nghĩ của con người vào kinh tế học và sự phát triển của lực lượng sản xuất. Ấy vậy mà ngay cả ngày nay, vẫn có những kẻ tự xưng mình là người theo chủ nghĩa Marx nhưng lại bảo vệ không phải những ý tưởng chân chính của Marx và Engels trong tất cả sự phong phú, rộng lớn và sâu sắc của chúng, mà lại theo cái lối "kinh tế học" của những nhà phê bình giai cấp tư sản. Đấy hoàn toàn không phải là chủ nghĩa Marx mà, theo cách diễn đạt của Hegel, là "die leblosen Knochen eines Skeletts" (cái thứ xương cốt vô hồn). Như Lenin đã bình luận: "Chúng ta không cần leblose Knochen, mà là cuộc sống sinh động đang diễn ra". (Lenin, "Sổ tay triết học", Lenin toàn tập, Tập 38)

Lenin luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của lý thuyết. Ngay cả trong giai đoạn phôi thai ban đầu của Đảng, ông đã tiến hành một cuộc đấu tranh không thương tiếc chống lại phe “kinh tế học”, những người có não trạng hẹp hòi của sự “thực tiễn vô sản” (proletarian practico) và xem thường lý thuyết như một lĩnh vực chỉ thuộc về giới trí thức, không phải của công nhân. Trả lời điều vô lý này, Lenin đã viết:

“Câu cách ngôn của Marx nói rằng: mỗi bước tiến của phong trào thực tiễn còn quan trọng hơn hàng tá cương lĩnh”. Nhắc lại câu ấy trong thời lý luận đang còn lung tung này thì có khác nào trông thấy đám ma mà kêu lên: “tôi chúc các người luôn có đám mà đưa”. Vả lại, câu ấy rút từ một bức thư của Marx về cương lĩnh Gôta, trong đó Marx kịch liệt chỉ trích chủ nghĩa chiết trung (hay còn gọi là chủ nghĩa dung hợp hoặc trường phái chọn lọc - chú thích người dịch) trong công việc diễn đạt những nguyên tắc. Marx viết cho các lãnh tụ của đảng như thế này: nếu thực sự cần phải liên hợp thì cứ ký kết những thỏa hiệp nhằm đạt những mục tiêu thực tiễn của phong trào, nhưng chớ có buôn bán nguyên tắc, chớ có “nhân nhượng” về lý luận. Tư tưởng của Marx là như thế, thế mà trong chúng ta còn có những người đã nhân danh Mác mà tìm cách làm giảm ý nghĩa của lý luận!

Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng. Trong lúc mà sự say mê những hình thức nhỏ hẹp nhất của hành động thực tiễn đang đi đôi với việc tuyên truyền đang thịnh hành cho chủ nghĩa cơ hội, thì nhắc đi nhắc lại tư tưởng ấy bao nhiêu cũng không phải là thừa. Riêng đối với đảng Dân chủ-Xã hội Nga, lý luận có một tầm quan trọng hơn nữa, vì ba lý do thường bị người ta lãng quên, cụ thể là: thứ nhất đảng ta chỉ đang mới đang thành hình, đang tạo nên bộ mặt của mình và còn xa mới thanh toán được hết những xu hướng khác của tư tưởng cách mạng, những xu hướng đang có cơ làm cho phong trào đi chệch con đường đúng đắn.” (Làm gì?, Lenin toàn tập, Tập 6)

Xu hướng của phái kinh tế học, giống như Weitling và Bakunin, đã tự coi mình là khuynh hướng “vô sản đích thực” đấu tranh chống lại ảnh hưởng tai hại của “các nhà lý luận trí thức”. Một sự đoạn tuyệt hoàn toàn với xu hướng này - xu hướng mà trong thực tế đã kết hợp chủ nghĩa dân túy “vô sản” và chủ nghĩa công đoàn cải cách, là điều kiện tiên quyết cho sự hình thành của chủ nghĩa Bolshevik. Tuy vậy, cuộc đấu tranh trên phương diện lý luận chống lại phái “thực tiễn” (practicos) vẫn còn tiếp tục trong khoảng thời gian lâu dài sau đó.

Xu hướng của phái kinh tế học, giống như Weitling và Bakunin, đã tự coi mình là khuynh hướng “vô sản đích thực” đấu tranh chống lại ảnh hưởng tai hại của “các nhà lý luận trí thức”. Một sự đoạn tuyệt hoàn toàn với xu hướng này - xu hướng mà trong thực tế đã kết hợp chủ nghĩa dân túy “vô sản” và chủ nghĩa công đoàn cải cách, là điều kiện tiên quyết cho sự hình thành của chủ nghĩa Bolshevik. Tuy vậy, cuộc đấu tranh trên phương diện lý luận chống lại phái “thực tiễn” (practicos) vẫn còn tiếp tục trong khoảng thời gian lâu dài sau đó.

Năm 1908, Lenin viết:

“Cuộc đấu tranh tư tưởng do chủ nghĩa Mác cách mạng tiến hành chống lại chủ nghĩa xét lại, vào cuối thế kỷ XIX, chỉ là khúc dạo đầu cho những trận chiến cách mạng vĩ đại của giai cấp vô sản đang tiến tới thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp của mình, bất chấp mọi sự dao động và yếu kém của giai cấp tiểu tư sản.” (Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xét lại)

Trong cuốn Stalin, Trotsky mô tả rất chi tiết về tâm lý của những “ủy viên” Bolshevik (committeemen), những người cũng có đầu óc kiểu “thực tiễn”. Họ đã phạm phải một loạt sai lầm nghiêm trọng vì không thực sự hiểu được phong trào công nhân trong những năm 1905-1906. Sai lầm của những người ấy (thường mang tính cực tả) là do họ không hiểu được phép biện chứng. Họ có một ý tưởng hoàn toàn trừu tượng và rập khuôn về xây dựng đảng - mà không liên quan đến phong trào công nhân thực sự. Đó là lý do tại sao vào năm 1905, Lenin bàng hoàng khi biết tin những người Bolshevik ở Petersburg đã bỏ về giữa cuộc họp đầu tiên của Xô Viết chỉ vì Xô Viết đã từ chối chấp nhận chương trình của Đảng.

Năm 1908, khi Lenin thấy mình đơn độc trong nhóm lãnh đạo của phe Bolshevik do những người cực tả Bogdanov và Lunacharsky lãnh đạo, ông đã chuẩn bị tách ra trên cơ sở bất đồng về triết học Marxist. Không phải ngẫu nhiên mà trong thời điểm khó khăn đó, khi sự tồn tại của chính khuynh hướng cách mạng đang bị đe dọa, ông đã dành nhiều thời gian để viết một cuốn sách về triết học: Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán.

Câu hỏi đặt ra là, Vladimir Ilyich viết sách về những vấn đề như vậy để làm gì. Việc nghiên cứu các tác phẩm của Giám mục Berkeley có thể có liên quan gì đến công nhân Nga? Người ta cũng có thể hỏi, tại sao Lenin lại nghĩ rằng cần thiết phải tách khỏi đa số các nhà lãnh đạo Bolshevik về vấn đề triết học. Nhưng Lenin hiểu rất rõ mối liên hệ nhân quả giữa việc Bogdanov bác bỏ chủ nghĩa duy vật biện chứng và các chính sách cực tả được đa số áp dụng.

Trong thời gian diễn ra Thế chiến thứ nhất, Lenin quay trở lại với triết học. Ông đã thực hiện một nghiên cứu sâu sắc về Hegel được xuất bản nhiều năm sau đó với tên gọi là Bút ký triết học. Một trong những tác phẩm cuối cùng của ông là Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu (Lenin toàn tập, Tập 45), trong đó một lần nữa nhấn mạnh đến nhu cầu nghiên cứu triết học Hegel:

“Cố nhiên, cái công tác nghiên cứu, giải thích và tuyên truyền phép biện chứng của Hegel như thế là vô vùng khó khăn, cho nên hẳn là những bước thí nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực đó cũng phải có những sai lầm. Nhưng chỉ có ai không làm gì mới không bao giờ sai lầm. Dựa vào cách của Marx đã vận dụng phép biện chứng của Hegel hiểu theo quan điểm duy vật, chúng ta có thể và cần phải nghiên cứu phép biện chứng đó trên tất cả các mặt, đăng trên tạp chí những đoạn văn trích trong những tác phẩm chủ yếu của Hegel, giải thích những đoạn văn ấy theo quan điểm duy vật, và bình luận những đoạn văn ấy bằng cách đưa những thí dụ của Marx về lối vận dụng phép biện chứng, và cả những thí dụ về lối vận dụng phép biện chứng lấy trong địa hạt các quan hệ kinh tế, chính trị, nghĩa là những thí dụ mà lịch sử hiện đại và nhất là các cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa và cuộc cách mạng hiện nay, đang cung cấp cho ta rất nhiều.”​​​​​​​

Trotsky và lý thuyết:

Trotsky, cũng giống với Lenin, đã dành toàn bộ cuộc đời mình để kiên quyết bảo vệ học thuyết Marxist. Trong bài viết tuyệt vời của mình về Engels, ông nhấn mạnh thái độ tỉ mỉ của Engels đối với lý thuyết:​​​​​​​

“Trong cùng khoảng thời gian đó, lòng độ lượng về mặt trí tuệ của người thầy đối với học trò là thực sự vô tận. Ông thường đọc những bài viết quan trọng nhất của Kautsky dưới dạng bản thảo, và mỗi lá thư phê bình của ông đều chứa đựng những gợi ý quý giá, là thành quả của sự suy nghĩ thấu đáo, và đôi khi là cả của sự nghiên cứu. Tác phẩm nổi tiếng của Kautsky, Mâu Thuẫn Giai Cấp trong Cách Mạng Pháp (Class Antagonisms in the French Revolution), đã được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ của văn minh nhân loại, dường như cũng đã đi qua phòng thí nghiệm trí tuệ của Engels. Bức thư dài của ông về các nhóm xã hội trong thời đại cách mạng vĩ đại của thế kỷ XVIII - cũng như về việc áp dụng các phương pháp duy vật để giải thích các sự kiện lịch sử - là một trong những tài liệu tráng lệ nhất của trí tuệ con người. Nó thật quá xúc tích, và mỗi công thức đều là tiền giả định cho một kho tàng kiến ​​thức quá lớn để có thể được truyền tải hết đến cho độc giả phổ thông; nhưng tài liệu đã bị giữ kín trong thời gian dài này sẽ mãi mãi không chỉ là kim chỉ nam dẫn dắt về mặt lý thuyết mà còn là niềm tận hưởng về mặt mỹ học cho bất kỳ ai đã nghiền ngẫm kỹ càng về động lực của các mối quan hệ giai cấp trong thời đại cách mạng, cũng như các vấn đề chung liên quan đến cách giải thích duy vật về các sự kiện lịch sử.” (Trotsky, Thư của Engels gửi Kautsky, 1935)

Trong tất cả các tác phẩm của Trotsky, chúng ta thấy một tầm nhìn trải khắp các lĩnh vực và sự quan tâm sâu rộng các vấn đề khác nhau, không chỉ trong lịch sử, mà còn trong nghệ thuật, văn học và văn hóa nói chung. Trước Thế chiến thứ nhất, ông đã viết các bài báo về nghệ thuật và về các nhà văn như Tolstoy và Gogol. Sau Cách mạng Tháng Mười, ông đã viết nhiều về nghệ thuật và văn học. Cuốn sách Văn chương và Cách mạng (Literature and Revolution) chính là sản phẩm của thời kỳ đó.

Trong tất cả các tác phẩm của Trotsky, chúng ta thấy một tầm nhìn trải khắp các lĩnh vực và sự quan tâm sâu rộng các vấn đề khác nhau, không chỉ trong lịch sử, mà còn trong nghệ thuật, văn học và văn hóa nói chung. Trước Thế chiến thứ nhất, ông đã viết các bài báo về nghệ thuật và về các nhà văn như Tolstoy và Gogol. Sau Cách mạng Tháng Mười, ông đã viết nhiều về nghệ thuật và văn học. Cuốn sách Văn chương và Cách mạng (Literature and Revolution) chính là sản phẩm của thời kỳ đó.

Năm 1923, ông viết: “Văn học, với sự kết hợp các phương thức và quy trình có nguồn gốc từ cổ xưa nhất và là đại diện cho kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình trau dồi của lời lẽ, thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng, quan điểm và hy vọng của cả thời đại mới và giai cấp mới của nó.” (Trotsky, Nguồn gốc và vai trò xã hội của văn học, tên gốc là "The social roots and the social function of literature"). Vào giữa thời kỳ đầy sóng gió của cách mạng và phản cách mạng trong những năm 1930, ông đã dành ra thời gian để viết về văn học và nghệ thuật. Năm 1934, ngay sau thảm họa ở Đức, ông đã viết một bài đánh giá về tiểu thuyết Fontamara của Ignazio Silone. Năm 1938, ông đã viết Tuyên ngôn cho một nền nghệ thuật cách mạng độc lập (Manifesto for an Independent Revolutionary Art) cùng với nhà văn Siêu thực Andre Breton.

Chúng ta có thể tưởng tượng ra sự phẫn nộ của những kẻ phi-li-xtanh (philistine - người ít học; kẻ phàm phu tục tử (từ gốc Do thái)) giả danh Marxist: “Cái gì thế này? Đồng chí Trotsky đang lãng phí thời gian của mình vào thời điểm cách mạng lịch sử này để viết về nghệ thuật sao? Nghệ thuật có liên quan gì đến giai cấp vô sản và đấu tranh giai cấp?” Những kẻ phi-li-xtanh lắc đầu đầy chán nản, và kết luận rằng đồng chí Trotsky không còn là người như trước nữa. “Đây không phải là Trotsky của Chương trình chuyển tiếp (The Transitional Programme)! Ông già này hẳn đang bị mất dần năng lực tinh thần!” Vâng, chúng ta có thể tưởng tượng ra điều đó!

Vào thời điểm châu Âu bị rung chuyển bởi cách mạng và phản cách mạng, khi những người ủng hộ ông bị sát hại và Quốc tế thứ tư đang phải vật lộn để tồn tại, tại sao Trotsky lại dành thời gian cho những vấn đề như nghệ thuật và văn học? Khi tự trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ có thể thấy được sự khác biệt giữa chủ nghĩa Marx chân chính, chủ nghĩa cách mạng vô sản chân chính, so với bức tranh biếm họa hời hợt khắc họa chủ nghĩa Marx được vẽ ra bởi một số nhóm người.

“Chỉ là những nhà lý luận”:

Trong cuộc đấu tranh giữa các phe phái dẫn đến sự chia rẽ trong phái Militant, phe Đa số đã nói rằng Ted Grant và Alan Woods "chỉ là những nhà lý luận". Câu nói có cánh này đã nói lên tất cả những gì cần phải nói về khuynh hướng đó. Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi đã cống hiến cả cuộc đời mình để xây dựng khuynh hướng mà đã trở thành phong trào Trotskyist thành công nhất kể từ thời phe Đối lập cánh tả Nga. Bắt đầu từ một nhóm rất nhỏ vào đầu những năm 1960, chúng tôi đã thành công trong việc xây dựng một tổ chức lớn có gốc rễ vững chắc trong phong trào lao động.​​​​​​​

Tất cả những thành công này là kết quả của nhiều năm làm việc kiên nhẫn. Xét cho cùng, chúng là kết quả của những ý tưởng, phương pháp và quan điểm đúng đắn được Ted Grant, nhà tư tưởng Marxist vĩ đại, đưa ra. Ted vượt trội hơn hẳn những người cùng thời. Ông hoàn toàn nắm vững lý thuyết Marxist và hiểu rõ các tác phẩm của Marx, Engels, Lenin và Trotsky như lòng bàn tay.

Khi Ted Grant và tôi bị trục xuất khỏi Militant, chúng tôi đã thấy mình ở trong một hoàn cảnh rất khó khăn. Phe Đa số có một bộ máy tổ chức khổng lồ, rất nhiều tiền và một đội khoảng 200 nhân viên toàn thời gian. Chúng tôi khi ấy thậm chí còn không có nổi một chiếc máy đánh chữ. Nhưng Ted và tôi không hề nao núng chút nào. Chúng tôi có những ý tưởng của chủ nghĩa Marx, và đó là tất cả những gì quan trọng. Tất cả kinh nghiệm của mình đã thuyết phục tôi rằng nếu bạn có những ý tưởng đúng đắn, bạn luôn có thể xây dựng một bộ máy. Thế nhưng điều ngược lại thì không đúng. Bạn có thể có bộ máy tổ chức lớn nhất thế giới, nhưng nếu bạn làm việc trên cơ sở các lý thuyết và phương pháp sai lầm, bạn sẽ thất bại.

Chúng tôi đã xem xét tình hình và đi đến kết luận rằng, trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt là sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhiệm vụ cấp bách nhất là bảo vệ các ý tưởng và học thuyết cơ bản của chủ nghĩa Marx. Kết quả đầu tiên là cuốn sách Lý trí trong nổi loạn: Triết học Mác và khoa học hiện đại (tạm dịch, bản gốc là Reason in Revolt: Marxist Philosophy and Modern Science). Những người đồng chí cũ của chúng tôi đã nhạo báng cuốn sách này. Họ mỉa mai rằng: "Bạn thấy đấy! Ted và Alan đã từ bỏ chính trị để viết sách về triết học!" Đó là thái độ của họ đối với lý thuyết Marxist - một thái độ thực sự là theo truyền thống, nhưng đó là truyền thống theo kiểu của Weitling và các "Ủy viên" Ủy ban Bolshevik, chứ hoàn toàn không phải là truyền thống Marx, Engels, Lenin và Trotsky.

Dù sớm hay muộn, những sai lầm trong lý thuyết sẽ gây ra tai họa cho thực tiễn. Phe Đa số trước đây cũng đã phải trả giá cho những sai lầm của mình. Những gì trước đây đã từng là xu hướng mạnh mẽ và bén rễ ngấm sâu vào phong trào lao động, đã bị thu hẹp lại chỉ còn là một cái bóng. Ngược lại, tác phẩm Reason in Revolt đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập IMT. Cuốn sách này đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, và được nhiều công nhân, những người theo chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản, những người theo chủ nghĩa công đoàn, những người theo chủ nghĩa Bolivar (bao gồm cả Hugo Chavez) hết sức hưởng ứng.

Chúng ta có thể giải thích điều này như thế nào? Những người lao động và thanh niên tiến bộ có một cơn khát đối các ý tưởng và lý thuyết. Họ muốn hiểu được những gì đang diễn ra trong xã hội. Họ không bị thu hút bởi những khuynh hướng chỉ nói với họ những điều họ đã thừa biết: rằng chủ nghĩa tư bản đang trong khủng hoảng, rằng tình trạng thất nghiệp đang diễn ra, rằng họ sống trong những ngôi nhà tồi tàn, kiếm được mức lương thấp, v.v. Rất nhiều người muốn biết tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy, điều gì đã xảy ra ở Nga, chủ nghĩa Marx là gì và nhiều những câu hỏi khác mang tính lý thuyết. Đó là lý do tại sao lý thuyết không phải là thứ bổ sung tùy nghi, như hoang tưởng của những người "thực tiễn", mà là một công cụ thiết yếu của cuộc đấu tranh cách mạng.

Công nhân và văn hóa:

Việc cho rằng công nhân không quan tâm đến những vấn đề rộng lớn về văn hóa, lịch sử, triết học, v.v. là hoàn toàn bịa đặt. Bằng kinh nghiệm của tôi trong nhiều năm, tôi thấy rằng trong số những người lao động, có nhiều mối quan tâm thực sự hơn đến các tư tưởng nếu so với nhiều người - thuộc về cái được gọi là tầng lớp trung lưu có học thức. Tôi nhớ cách đây rất lâu, khi đang thuyết giảng cho công nhân ở tại quê nhà South Wales của mình, tôi đã từng gặp một công nhân luyện kim tự học tiếng Bồ Đào Nha để đọc các tác phẩm của một nhà thơ Brazil mà tôi chưa từng biết đến.

Quan niệm cho rằng công nhân thì chẳng thèm quan tâm gì đến văn hóa hầu hết xuất phát từ trí thức tiểu tư sản, những kẻ không hiểu biết gì về giai cấp công nhân và nhầm lẫn giai cấp công nhân với tầng lớp vô sản lưu manh (lumpenproletariat). Do đó, chúng thể hiện sự khinh miệt đối với giai cấp công nhân và cho thấy sự kiêu căng của tầng lớp trung lưu đối với những người lao động. Bọn người này cố gắng lấy lòng công nhân bằng cách khoác lên mình bộ mặt giả dối và nhại lại những lời lẽ của "giai cấp công nhân". Chúng sử dụng những thứ ngôn từ tệ hại, và cho rằng điều ấy sẽ nâng cao được uy tín vô sản của mình.​​​​​​​

Tôi đã thấy quá nhiều trường hợp được cho là Marxist có học thức - những người nghĩ rằng bắt chước ngôn ngữ và thói quen của tầng lớp vô sản lưu manh là khôn ngoan, và tưởng tượng rằng điều đó sẽ giúp họ có thêm uy tín với tư cách là 'công nhân thực thụ'. Trên thực tế, những người lao động thường không sử dụng ngôn ngữ như vậy khi ở nhà hoặc trong những công ty lịch sự. Việc bắt chước hành vi của những tầng lớp thấp kém và hạ đẳng nhất trong toàn thể bộ phận công nhân và thanh niên là không xứng đáng với một người Marxist, và càng không xứng đáng với một người lãnh đạo cách mạng. Trong bài viết xuất chúng "Đấu tranh cho văn hoá ngôn từ" (tạm dịch, bản gốc là The Struggle for Cultured Speech), Trotsky đã mô tả ngôn từ như vậy là dấu hiệu của tâm lý nô lệ, thứ mà những người cách mạng không nên bắt chước mà phải gắng sức loại bỏ.

Tôi đã thấy quá nhiều trường hợp được cho là Marxist có học thức - những người nghĩ rằng bắt chước ngôn ngữ và thói quen của tầng lớp vô sản lưu manh là khôn ngoan, và tưởng tượng rằng điều đó sẽ giúp họ có thêm uy tín với tư cách là 'công nhân thực thụ'. Trên thực tế, những người lao động thường không sử dụng ngôn ngữ như vậy khi ở nhà hoặc trong những công ty lịch sự. Việc bắt chước hành vi của những tầng lớp thấp kém và hạ đẳng nhất trong toàn thể bộ phận công nhân và thanh niên là không xứng đáng với một người Marxist, và càng không xứng đáng với một người lãnh đạo cách mạng. Trong bài viết xuất chúng "Đấu tranh cho văn hoá ngôn từ" (tạm dịch, bản gốc là The Struggle for Cultured Speech), Trotsky đã mô tả ngôn từ như vậy là dấu hiệu của tâm lý nô lệ, thứ mà những người cách mạng không nên bắt chước mà phải gắng sức loại bỏ.

Cũng trong bài viết vào năm 1923 này, Trotsky ca ngợi những công nhân tại nhà máy giày Công xã Paris vì đã thông qua nghị quyết kiêng chửi thề và phạt tiền những người nói tục. Vị lãnh đạo của Cách mạng Tháng Mười không coi đây là một chi tiết tầm thường, mà là một biểu hiện rất quan trọng đến từ giai cấp công nhân trong nỗ lực thoát khỏi tâm lý nô lệ và hướng tới một trình độ văn hóa cao hơn. “Ngôn từ lăng mạ và chửi thề là di sản của chế độ nô lệ, sự sỉ nhục và thiếu tôn trọng phẩm giá con người – của chính mình và của những người khác.” Đó là những gì lãnh đạo của Cách mạng Tháng Mười đã viết.

Giai cấp công nhân cũng có những cấp độ khác nhau, mỗi cấp độ đều phản ánh những điều kiện và kinh nghiệm khác nhau giữa họ. Những tầng lớp tiên tiến nhất những người vô sản hoạt động tích cực trong các công đoàn và các đảng công nhân. Họ khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn, quan tâm sâu sắc đến các ý tưởng và lý thuyết, và phấn đấu để tự giáo dục bản thân. Những phấn đấu này là sự đảm bảo cho tương lai xã hội chủ nghĩa, khi đàn ông và phụ nữ sẽ phá vỡ không chỉ những xiềng xích vật lý trói buộc họ, mà còn cả những xiềng xích tâm lý khiến họ tự nô lệ mình với một quá khứ man rợ.

Trotsky nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đấu tranh cho văn hóa ngôn ngữ: “Cuộc đấu tranh cho giáo dục và văn hóa sẽ cung cấp cho các thành phần tiên tiến của giai cấp công nhân tất cả các nguồn lực của tiếng Nga trong sự phong phú, tinh tế và thuần khiết của nó”.

Ông giải thích rằng cách mạng “trước hết là sự thức tỉnh nhân cách con người trong quần chúng – những người bị cho là không có nhân cách”. Có nghĩa là, “trước và trên hết, sự thức tỉnh của nhân loại và sự lan tỏa điều ấy phải được đánh dấu thông qua việc ngày càng tôn trọng phẩm giá con người của mỗi cá nhân, cũng như ngày càng quan tâm đến những người yếu thế”. (ibid.)

Việc giai cấp công nhân chinh phục và nắm lấy quyền lực chỉ là bước đầu tiên để quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng thực sự – bước nhảy vọt của nhân loại từ một thế giới cố hữu đến một thế giới tự do – vẫn chưa thực hiện được. Engels chỉ ra rằng trong bất kỳ xã hội nào mà nghệ thuật, khoa học và chính quyền là độc quyền thuộc về một nhóm thiểu số, nhóm thiểu số đó sẽ sử dụng và lạm dụng vị thế đó để kiềm tỏa xã hội trong vòng nô lệ.

Bằng cách nhượng bộ đối với trình độ nhận thức yếu kém của những tầng lớp lạc hậu và mù chữ nhất của giai cấp công nhân, chúng ta không giúp nâng cao ý thức của họ lên ngang tầm với những nhiệm vụ mà lịch sử đặt ra. Ngược lại, chúng ta còn giúp hạ thấp nó, và điều này sẽ luôn gây ra những hậu quả thụt lùi và mang tính phản động. Cuộc tranh luận có thể được tóm tắt như thế này: một là tiến bộ và cách mạng, phục vụ cho việc nâng cao trình độ nhận thức của giai cấp vô sản; hoặc, hai là là phản động và xu hướng hạ thấp nhận thức của giai cấp công nhân.

Những người Marxist phải là tuyến đầu của giai cấp công nhân đang đấu tranh để cải biến xã hội. Nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục và đào tạo ra những cán bộ cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong tương lai. Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta phải dựa trên những gì tích cực, tiến bộ, cách mạng; và kiên quyết loại bỏ tất cả những gì lạc hậu, ngu dốt và thô sơ. Chúng ta đặt mục tiêu hướng tới một chân trời cao đẹp. Do vậy, phải giúp giai cấp công nhân mở rộng tầm nhìn, bắt đầu từ những thành phần tiên tiến nhất, tới chân trời mà Trotsky đã nói trong Văn chương và Cách mạng (Literature and Revolution):

"Thật khó để dự đoán mức độ tự quản mà con người tương lai có thể đạt tới hoặc tầm cao mà chúng ta có thể đưa kỹ thuật của mình đạt tới. Kiến thiết xã hội và sự tự giáo dục tâm lý-thể chất sẽ trở thành hai khía cạnh của cùng một quá trình. Tất cả nghệ thuật - văn học, kịch, hội họa, âm nhạc và kiến ​​trúc sẽ mang lại cho quá trình cải biến xã hội một bộ mặt đẹp đẽ. Chính xác hơn, lớp vỏ bên ngoài, mà quá trình xây dựng văn hóa và tự giáo dục của người Cộng sản được bao bọc, sẽ phát triển tất cả các yếu tố quan trọng của nghệ thuật đương đại lên đến đỉnh cao. Con người sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và tinh tế hơn vô cùng; cơ thể sẽ trở nên hài hòa hơn, chuyển động nhịp nhàng hơn, giọng nói du dương hơn. Tất cả các hình thức của cuộc sống sẽ trở nên năng động, kịch tính hơn. Hình mẫu của con người bình thường sẽ vươn đến tầm cỡ của một Aristotle, một Goethe hoặc một Marx. Và trên đỉnh cao này, những đỉnh cao mới sẽ mọc lên.”

Join us

If you want more information about joining the RCI, fill in this form. We will get back to you as soon as possible.